5 chú ý khi sử dụng vỏ không ruột xe máy
1. Cẩn thận khi vá
Nhược điểm lớn nhất là khi bị dính đinh hay vật nhọn gây thủng vỏ, xì hơi thì việc vá vỏ không ruột lại đòi hỏi thợ sửa chữa phải có chuyên môn cao, vì nếu không vá vỏ đúng kỹ thuật làm cho vết thủng không thể kín hơi.
2. Nên dùng phương pháp vá trong
Vá trong là cách tốt nhất đối với vỏ xe không ruột, người thợ sẽ tháo vỏ xe bằng máy chuyên dụng, sau đó làm sạch bề mặt bên trong lòng vỏ xe và dán miếng vá lên chỗ thủng, đây là cách làm tốt nhất được các nhà máy sản xuất vỏ xe khuyến nghị.
3. Không nên dùng keo tự vá
Nhiều người cho rằng, nếu đổ phụ kiện nhanh keo tự vá vào vỏ xe thì khi xe cán phải đinh, dung dịch keo sẽ tự bít lỗ thủng, tránh tình trạng vỏ xe bị xì hơi đột ngột gây tai nạn. Tuy nhiên, do không biết hoặc hãng sản xuất không khuyến cáo cụ thể, nếu để dung dịch keo tự vá tồn tại lâu trong bánh xe sẽ dẫn đến tình trạng dung dịch keo tự vá ăn mòn vành và vỏ xe như bị mục, rỗ và ôxy hóa.
4. Lưu ý vành xe
Khi sử dụng vỏ xe không ruột, bạn phải đặc biệt quan tâm đến vành xe. Đi mưa hoặc ngâm nước nhiều dễ dẫn đến bề mặt vành bị rỗ, bị ăn mòn hoặc sủi lên tại vị trí tiếp xúc với lốp, khi đó tác dụng làm kín hơi không còn nữa.
Nếu bạn thấy cứ bơm hơi căng vài ngày sau lại thấy vỏ xe non hơi dù không bị châm kim hay vật nhọn đâm vào thì đó là do vành xe bị ăn mòn.
Phương pháp tạm thời là đánh bóng vành hay mạ lại, nhưng cách tốt nhất là thay thế vành để đảm bảo áp suất hơi trong vỏ xe luôn đủ.
5. Bơm hơi vỏ xe đúng áp suất
Việc bơm vỏ xe đúng áp suất sẽ làm giảm nguy cơ bị thủng, giảm tiêu tốn xăng và an toàn khi lái xe trên đường.
Khi talon lốp (các hoa văn trên lốp) độ dày còn từ 1 đến 3 mm, bạn nên thay lốp mới. Việc sử dụng vỏ xe không ruột quá mòn làm xe vận hành tốn xăng hơn, không bám đường gây nguy hiểm khi đi đường mưa, trơn, và nguy cơ nổ lốp rất cao nếu bạn đi đường dài.
